IVF BẠCH MAI - TUYẾN ĐẦU VỀ HỖ TRỢ SINH SẢN TẠI VIỆT NAM

Quy trình thăm khám và điều trị vô sinh

Vô sinh hiếm muộn là rào cản khiến các cặp vợ chồng không thể sinh con, thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ. Với sự phát triển của y học hiện đại, có nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến cùng quy trình thăm khám và điều trị vô sinh tiêu chuẩn, giúp các cặp vợ chồng thỏa mãn được khát khao mong con.

1. Quy trình thăm khám vô sinh

Trong quy trình khám vô sinh, cặp vợ chồng cần phải trải qua những bước cụ thể sau:

1.1 Xác định nguyên nhân vô sinh

Đây là bước đầu tiên trong quy trình khám hiếm muộn thực hiện tại các bệnh viện. Ở bước này bác sĩ sẽ trao đổi để nắm bắt được tiền sử trong gia đình của người vợ hoặc chồng có ai từng bị vô sinh hiếm muộn không. Đồng thời,  bác sĩ cũng hỏi thêm về tình trạng sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của cả 2 vợ chồng như chu kỳ kinh có đều không, khi quan hệ có gặp khó khăn gì không…
Sau bước thăm khám xác định nguyên nhân ban đầu, cặp vợ chồng được bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm phụ khoa và nam khoa cần thiết.
Bác sĩ khám, xác định nguyên nhân vô sinh

Bác sĩ khám, xác định nguyên nhân vô sinh

1.2 Thực hiện các xét nghiệm cần thiết

Sau bước thăm khám xác định nguyên nhân ban đầu, cặp vợ chồng được bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm phụ khoa và nam khoa cần thiết.
– Xét nghiệm huyết học phát hiện các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như giang mai, HIV, đồng thời xem xét sự thay đổi nội tiết tố…
– Siêu âm vùng bụng kiểm tra tử cung, vòi trứng.
– Xét nghiệm nội tiết tố, chụp X-quang tử cung  vòi trứng.
– Xét nghiệm tinh dịch đồ kiểm tra chất lượng tinh trùng của người chồng.
– Xét nghiệm đánh giá tỉ lệ đứt gãy ADN của tinh trùng (Halosperm)

1.3 Tư vấn điều trị

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm cụ thể, bác sĩ tư vấn điều trị cho người bệnh. Hiện có nhiều phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn để cặp vợ chồng lựa chọn. Với từng nguyên nhân vô sinh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyến phù hợp nhất. Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là của 2 vợ chồng.
Do đó, cặp vợ chồng có thể dựa vào điều kiện kinh tế để có phương án điều trị hợp lý nhất. Lưu ý, khi đã chọn phương án điều trị thì cả 2 vợ chồng cần sắp xếp thời gian, công việc, tài chính. Quan trọng hơn cả là 2 vợ chồng cần có sự kiên trì và thấu hiểu nhau. Có như vậy quá trình điều trị mới thuận lợi và cho kết quả tốt.
Tư vấn phương pháp điều trị vô sinh

Tư vấn phương pháp điều trị vô sinh

1.4 Đưa ra phác đồ điều trị

Khi cả hai bên (bác sĩ và bệnh nhân) đã thống nhất phương pháp điều trị được tư vấn, bác sĩ sẽ tiến hành xây dựng phác đồ điều trị cụ thể theo từng giai đoạn. Tiếp đó, cặp vợ chồng thực hiện tái khám, làm các xét nghiệm chuyên biệt khác.

2. Điều trị vô sinh

Hoàn tất bước thăm khám, cặp vợ chồng sẽ bắt đầu quy trình điều trị vô sinh hiếm muộn cụ thể.

2.1 Chọc hút trứng và chuẩn bị tinh trùng

– Thuốc kích trứng được bác sĩ định lượng dựa trên các chỉ số hormone, cân nặng, chiều cao, độ tuổi, tiền sử điều trị và số nang trứng của người bệnh…. Thời gian tiêm thuốc kích thích buồng trứng kéo dài từ 10 – 14 ngày tùy vào từng trường hợp cụ thể và khả năng đáp ứng thuốc của từng người.
– Trong quá trình kích trứng, người bệnh được siêu âm để theo dõi và đánh giá sự phát triển của nang trứng và điều chỉnh phác đồ nếu cần.
– Khi nang noãn đạt được kích thước theo yêu cầu người vợ được tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành (mũi kích trứng rụng). Đặc biệt, đây là mũi tiêm cần thực hiện đúng giờ quy định.
– Sau 34 – 36 giờ tiêm mũi thuốc kích rụng trứng cuối cùng, bác sĩ tiến hành thủ thuật chọc hút trứng qua đường âm đạo. Thời gian thực hiện 10 – 15 phút. Cùng thời điểm này, người chồng được lấy tinh trùng để cấy phôi hoặc sử dụng mẫu tinh trùng đông lạnh (nếu đã trữ đông trước đó).
– Đối với trường hợp nam giới vô sinh do nguyên nhân không có tinh trùng trong tinh dịch, tinh trùng dị dạng, bất động, số lượng ít… bác sĩ sẽ áp dụng một số kỹ thuật như phẫu thuật lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA, MESA) và kỹ thuật chọn tinh trùng bằng laser hoặc từ trường để thu được tinh trùng có chất lượng tốt nhất.
Chọc hút trứng

Chọc hút trứng

2.2 Tạo phôi, nuôi cấy và kiểm tra chất lượng phôi

– Trứng và tinh trùng được chuyển đến phòng Lab để thụ tinh, tạo phôi. Tùy vào tình trạng bệnh của từng người mà quá trình thụ tinh được thực hiện dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm cổ điển (iVF) hay kết hợp thêm kỹ thuật tiêm trùng vào bào tương noãn (ICSI).
– Phôi được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm 3 – 5 ngày trong điều kiện tủ nuôi cấy hiện đại, được phân ngăn riêng có sử dụng camera giám sát cùng sự theo dõi sát sao của các chuyên ia phôi học, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho phôi phát triển.
– Trước khi chuyển phôi vào buồng tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật sàng lọc và chẩn đoán di truyền tiền chuyển phôi (theo nhu cầu và tiền sử bệnh lý của từng cặp vợ chồng). Kỹ thuật này có thể sàng lọc và loại bỏ những bôi bất thường nhiễm sắc thể, qua đó đảm bảo chất lượng của số phôi được chuyển, tránh nguy cơ đa thai cũng như ngừng thai kỳ do thai nhi mắc các dị tật di truyền.
– Để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi, người vợ được chỉ định dùng thuốc bằng đường uống và đặt âm đạo. Phôi được chuyển ngay sau khi tạo phôi gọi là phôi tươi. Với trường hợp người vợ không đủ điều kiện sức khỏe để chuyển luôn phôi tươi, bác sĩ sẽ trữ đông toàn bộ số phôi đạt chất lượng và thực hiện chuyển phôi trữ vào chu kỳ tiếp theo.
Lưu ý: Với phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI quá trình tạo phôi diễn ra tự nhiên bên trong tử cung của người vợ. Do đó không có bước tạo và chuyển phôi như thụ tinh ống nghiệm IVF.

2.3 Chuyển phôi

– Bác sĩ thông báo cho cặp vợ chồng về số lượng và chất lượng của phôi được tạo. Sau đó 2 bên thống nhất về số phôi chuyển vào buồng tử cung và số phôi dư có thể trữ đông.
– Khi niêm mạc tử cung đảm bảo độ dày cần thiết, thuận lợi để phôi làm tổ và phát triển, bác sĩ sẽ thực hiện chuyển phôi vào buồng tử cung.
– Trường hợp chuyển phôi trữ, người vợ được siêu âm và sử dụng thuốc theo dõi niêm mạc từ ngày thứ 2 của kỳ kinh tiếp theo trong khoảng thời gian 14 – 18 ngày. Sau đó, bác sĩ chọn thời điểm phù hợp chuyển phôi trữ.
Chuyển phôi vào buồng tử cung

Chuyển phôi vào buồng tử cung

2.4 Thử thai

14 ngày sau chuyển phôi, người vợ thực hiện xét nghiệm nồng độ máu beta HCG để xác định kết quả mang thai.
– Nếu nồng độ beta HCG đạt mức >25 IU/l thì người vợ đã có thai.
– Sau 2 ngày tiếp tục xét nghiệm HCG nếu tăng gấp rưỡi thì xác định thai đang phát triển và tiếp tục uống thuốc dưỡng thai đợi đến ngày siêu âm xác định túi thai và tim thai.
– Trường hợp sau 2 ngày nồng độ beta HCG không tăng hoặc giảm thì cần tiếp tục theo dõi. Nếu nồng độ beta HCG <5 IU/l được chẩn đoán là thai sinh hóa.
Đối với trường hợp chưa có thai nhưng còn phôi trữ, người vợ được tiếp tục dùng phôi trữ để chuyển vào tử cung ở chu kỳ tiếp theo mà không phải thực hiện lại các bước trước đó.

2.5 Theo dõi thai

Thai nhi IVF cũng có quá trình phát triển giống như thai tự nhiên. Người vợ cần tuân thủ lịch hẹn khám thai định kỳ của bác sĩ. Đồng thời trong quá trình mang thai, nếu có bất thường cần thăm khám bác sĩ ngay để có phương án xử lý phù hợp.
Theo dõi sự phát triển của thai nhi

Theo dõi sự phát triển của thai nhi

Trên đây là toàn bộ thông tin về quy trình thăm khám và điều trị vô sinh cho các cặp vợ chồng tham khảo. Để hành trình tìm con của mình dễ dàng và thuận lợi hơn, cặp vợ chồng cần tìm hiểu thật kỹ về địa chỉ điều trị, các kiến thức cần thiết giúp quá trình mang thai thành công.
Tin liên quan
call
Gọi điện
tu van
Tư vấn
zalo
Chat zalo